Nhãn

Thứ Hai, 7 tháng 5, 2012

Săn nhộng ve trên đảo


Săn nhộng ve trên đảo
Trời vừa sụp tối, nhóm người bắt đầu lên núi Hòn Tre (Kiên Giang), mỗi người cầm một chiếc đèn pin để soi săn nhộng ve. Mùa này những chú nhộng bắt đầu thoát xác để trở thành ve sầu râm ran báo hè sang.
Là một trong 140 hòn đảo ở vùng biển đảo Kiên Giang, Hòn Tre trước kia có tên là Traksu, dân địa phương gọi là Hòn Rùa. Kể từ năm 1983 hòn đảo trở thành trung tâm của huyện đảo Kiên Hải, mỗi ngày tiếp đón hàng trăm du khách  từ các nơi đổ về tham quan ngoạn cảnh khu du lich.
Đến với Hòn Tre, khách không những có thể khám phá, thư giãn, nghỉ dưỡng, cắm trại, chèo thuyền, câu cá, tắm biển tại khu du lich mà còn được thưởng thức nhiều món ngon vật lạ mang tính đặc thù của một vùng biển đảo Tây Nam, trong đó “nhộng ve” được coi là món ăn danh bất hư truyền.
Giữa đêm tối, từng nhóm người địa phương cầm đèn pin lên núi săn săn nhộng ve. Dọc theo hai bên sườn núi là những rừng xoài bạt ngàn, nơi cư trú của loài ve sầu.
Những người đi phía trước bỗng dừng lại ở một tảng đá có mấy chú nhộng ve đang cựa mình thoát xác. Hàng chục ánh đèn sáng chói nhắm thẳng vào các bụi cây, hốc đá để mọi người tóm gọn những chú ve non vừa chui lên khỏi mặt đất. Trời càng tối, nhộng ve xuất hiện càng nhiều khiến cho không khí săn bắt trở nên xôn xao và náo động cả một khu rừng yên tĩnh.
Hàng năm cứ vào tháng 3 âm lịch, khi cơn mưa đầu mùa vừa rơi hạt, theo chu kỳ sinh học, những con nhộng sau một thời gian dài nằm yên trong lòng đất lại cựa mình chui lên tìm đến những thân cây, tảng đá để lột xác hóa thân thành ve sầu.
Người dân ở Hòn Tre cho biết nhộng ve mỗi năm chỉ xuất hiện một lần và thời gian kéo dài khoảng non một tháng. Đây chính là thời điểm xôn xao của người dân xứ hòn, nhất là những người sành điệu về ẩm thực. Tối nào họ cũng hứng thú rủ nhau lên núi săn nhộng ve và coi đó là của cải trời cho, một món ăn dân dã nhưng vô cùng hấp dẫn. Những ai thưởng thức nhộng ve dù một lần thôi cũng đủ nhớ.
Nhiều phụ nữ và trẻ em Hòn Tre cũng tham gia săn bắt nhộng. Mỗi người có thể bắt từ 0,5 đến một kg mỗi đêm, bán với giá 70.000-100.000 đồng một kg. Theo kinh nghiệm của dân sành điệu, nhộng ve chưa lột xác ngon hơn con vừa mới chui ra, vì lúc đó trong bụng còn mang một bầu sữa căng tròn.
Nhộng ve rửa sạch, cho vào chảo rang với dầu hoặc mỡ. Lúc nhộng vừa chín, cho thêm ít nước mắm, tiêu, tỏi hành phi và lá chanh xắt nhuyễn. Tại các huyện miền núi như Tịnh Biên và Tri Tôn cũng có nhộng ve, khi chiên người ta thường trộn chung với lá trúc xắt nhuyễn nhằm tăng thêm hương vị đậm đà.
Món nhộng ve lăn bột chiên càng hấp dẫn hơn nhưng phải chiên từng con cho vàng ruộm mới thơm ngon và giòn. Ngoài ra, người dân địa phương còn bắt ve trưởng thành đem về mổ bụng nhét đậu phộng vào chiên ăn vừa thơm ngon, vừa béo.
Đây là món ăn đặc sản của Hòn Tre, dân dã nhưng đầy tính sáng tạo. Nhộng ve có thể ăn kèm với sà lách, húng cây, rau răm, chấm muối tiêu chanh, càng ăn càng thú vị nhờ cái mùi đậm đà khó quên.
Theo y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian thì thịt ve có vị mặn, ngọt, tính hàn, có thể chữa sốt, kinh giật, cảm ho và mắt có màng mộng. Tuy nhiên, người bị thống phong (gút) không nên ăn nhiều vì nhộng ve có hàm lượng đạm khá cao, dùng nhiều có thể tăng acit uric trong máu, không có lợi cho sức khỏe.
Nguồn : vnexpress.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét