Nhãn

Thứ Ba, 17 tháng 7, 2012

Du lịch Việt Nam: Điểm yếu là tiếp thị


Du lịch Việt Nam: Điểm yếu là tiếp thị
Với kinh nghiệm tại nhiều quốc gia châu Âu, châu Á và châu Phi, lần này Robert Travers, một chuyên gia uy tín về marketing Du lich đến Hà Nội trong 3 tuần để giúp ngành du lịch Việt Nam cập nhật lại chiến lược về Marketing. Theo ông, việc du lịch Việt Nam thay đổi Logo và Slogan từ “Việt Nam - Vẻ đẹp tiềm ẩn” sang “Việt Nam - Vẻ đẹp bất tận” là đổi mới cần thiết, nhưng cũng chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực phát triển thương hiệu. Cần tạo ra những điểm khác biệt, độc đáo cho du lịch Việt Nam.
du lich viet nam, tiep thi con yeu
Du khách đến Sapa. Nguồn ảnh: Internet
 
Ông Robert Travers, Chuyên gia Marketing du lịch thuộc Dự án phát triển năng lực du lịch có trách nhiệm với môi trường và xã hội do EU tài trợ nhấn mạnh: “Trọng tâm mà chúng tôi quan tâm là các thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam. Chúng ta phải có chiến lược thu hút các thị trường này để làm sao giữ chân họ ở lại Việt Nam lâu hơn, có mức chi tiêu cao hơn. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ cố gắng giúp đỡ các bạn để đào tạo nguồn nhân lực”.
Theo kinh nghiệm của ông Robert, các quốc gia có ngành du lịch phát triển đều là những nơi quan tâm đặc biệt đến khâu tiếp thị. Đơn cử như Hàn Quốc, cơ quan du lịch quốc gia đã mở đến 27 văn phòng đại diện ở nước ngoài. Để đẩy mạnh ngành công nghiệp du lịch, chính phủ Hàn Quốc cố gắng đăng cai tổ chức nhiều sự kiện lớn như hội nghị G20 hay các sự kiện thể thao, triển lãm quốc tế. Hay như Malaysia, cũng rất chuyên nghiệp và thành công trong các hoạt động xúc tiến du lịch, đặc biệt với thương hiệu “Malaysia - châu Á đích thực”. Kinh phí cho xúc tiến du lịch khoảng 150-200 triệu USD/năm. Vào thời kỳ cao điểm hoặc thời gian sau dịch SARS, kinh phí vào khoảng 350 triệu USD.
Ông Robert Travers cũng cho biết: “Một số nước gần với Việt Nam như Thái Lan, Malaysia, họ có chiến lược cạnh tranh rất mạnh và ngân sách tiếp thị du lịch cũng rất lớn. Với Việt Nam, khi ngân sách còn hạn chế, chúng ta phải sử dụng hiệu quả và hợp lý thì mới thu hút được du khách. Theo tôi, điểm yếu nhất của các bạn hiện nay là vấn đề tiếp thị. Tôi nghĩ, Việt Nam cần thành lập nhiều văn phòng đại diện về du lịch ở nước ngoài và chú ý phát triển nguồn nhân lực”.
Trong vòng 10 năm (từ năm 2000 đến 2010), chương trình hành động quốc gia về du lịch được cấp gần 250 tỷ đồng. Còn năm 2010, kinh phí cho chương trình xúc tiến du lịch văn hóa quốc gia là 40 tỷ, năm 2011 là 35 tỷ. So với nhiều quốc gia kể trên, kinh phí này còn khiêm tốn.
Cũng trong năm 2011, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tham gia xúc tiến du lịch ở 6 hội chợ quốc tế. Hiện Tổng cục cũng đang xây dựng đề án nhằm đẩy mạnh thu hút khách từ 8 thị trường trọng điểm đến năm 2015 như: Hàn Quốc, Malaysia, Nga, NhậtBản, Pháp... Vấn đề là làm sao để hàng nghìn trang đề án không chỉ năm trên giấy.
Theo ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam chia sẻ: “Thực tế, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch tiếp thị và đã triển khai rồi, nhưng vì nhiều lý do, hiệu quả chưa được như mong muốn. Chúng tôi hy vọng với sự giúp đỡ của chuyên gia EU, sẽ xem xét, xây dựng lại kết hoạch marketing đến năm 2020 được hiệu quả và cụ thể hơn trên cơ sở nguồn kinh phí và nguồn lực sẵn có”.
Đã qua rồi cái thời để du khách tự cảm nhận cái “Vẻ đẹp tiềm ẩn” của Du lịch Việt Nam. Mà đã đến lúc, du lịch Việt Nam - bằng đôi chân “bất tận” của mình “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” để vẻ đẹp ấy tỏa sáng và mang lại lợi ích tương xứng.

Tác giả : Mạnh Cường
Nguồn : vtv.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét