Một người Anh “trông Malaysia, ngẫm Việt Nam”
Tôi vẫn luôn đặc biệt hoài nghi về quảng cáo du lich
của Malaysia, nhưng có lẽ nó đã thấm được vào tiềm thức của công chúng
nhiều hơn bất cứ quốc gia nào. Tôi cuộc rằng ngay lúc này khi tôi đang
nói, bạn cũng đang thấy ngân nga trong đầu “Malaysia truly Asia…” (khẩu
hiệu du lịch, tạm dịch là “Malaysia – Châu Á đích thực” – ND), và hồi
tưởng những hình ảnh dễ chịu một cách khá nhạt nhẽo từ những thước phim
quảng cáo của họ trên kênh Star World.
Nhưng đừng lo, tôi sẽ không làm thế. Thay vào đó, tôi kết thúc chuyến đi mà nghĩ, “hừm, nếu Malaysia có thể làm thế, thì Việt Nam có thể làm những điều tuyệt vời gì để thúc đẩy du lịch?”
Nói thật là ngành du lịch Việt Nam đang kinh doanh quá thiếu hiệu quả so với khả năng của đất nước này.
Tôi cần nói rõ, tôi không phải là một chuyên gia trong ngành du lịch, tôi chỉ là một người yêu Việt Nam và muốn mọi người tận hưởng thời gian mà họ ở đây. Gần như mỗi ngày tôi tự hỏi bản thân, thường là sau khi đọc một bài báo mới về những kế hoạch phát triển du lịch – Làm thế nào chúng ta khuyến khích nhiều hơn nữa những vị khách du lịch với ví chật ních tiền đến đây?
Hãy cùng nhìn vào những con số. Năm 2010, Malaysia thu hút 24,6 triệu lượt khách, so với 5,049,855 khách quốc tế đến với Việt Nam. Tôi biết là con số này vẫn luôn tăng lên, nhưng Việt Nam vẫn chưa khai thác đúng với tiềm năng của mình.
Vậy làm thế nào Việt Nam lôi kéo được ngành kinh doanh béo bở này? Thứ nhất, cần thoải mái hơn một chút.
Ở Kuala Lumpur chúng tôi nghỉ tại một khách sạn hợp lý ở đường Jalan Bukit Bintang, cách khu mua sắm chính một quãng đi bộ ngắn. Trên con đường này có khoảng 40 quán bar, quán café và nhà hàng, mà ấn tượng lớn nhất là chúng mở đến tận sáng sớm, thu vào hàng ngàn đô la từ khách du lịch. Mặc dù Việt Nam không thể cạnh tranh trên mặt trận mua sắm (Malaysia đã tiên phong với việc miễn thuế mua sắm từ cách đây hàng chục năm), một cách đơn giản để tiền chảy vào nền kinh tế nội địa là đặt những bước đầu tiên của việc quy hoạch một phần của khu trung tâm các thành phố lớn để dành cho cuộc sống 24/24 giờ. Khi người ta đi nghỉ, họ muốn “xõa tóc”, và không bị một anh trong bộ đồng phục xanh lá cây hét vào mặt rằng họ phải rời quán bar ngay lập tức và lên giường đi ngủ. Điều đó chẳng ẩn chứa chút duyên dáng tiềm ẩn nào của Việt Nam, và cũng chẳng khuyến khích trở lại trong tương lai.
Tôi có hứng thú với lịch sử, và tôi thích thăm các di tích lịch sử, nhưng thực ra tôi quan tâm tới những tàn tích thực sự hơn là một sự tái dựng hiện đại, cố gắng thể hiện mình là một công trình “cổ”. Thứ hai là phần lớn các khu du lịch đang quá thiếu bối cảnh lịch sử. Vì chẳng có bối cảnh nào, nên những di tích lịch sử, vốn từng chứng kiến những sự kiện gây chấn động, giờ chỉ còn là những đống gạch, và mọi người về nhà mà chẳng làm giàu thêm được chút nào về kiến thức.
Tôi sẽ không đi sâu vào những vấn đề kẹt xe, ô nhiễm, taxi ăn chặn và lừa đảo, dịch vụ thu phí cao quá mức, mức giá phòng khác nhau giữa khách nước ngoài và khách nội địa, cũng như vô số trò lừa gạt khác nữa. Đó chỉ là những vấn đề nhỏ trong một bức tranh lớn hơn, nhưng cũng góp phần khiến một tỷ lệ khổng lồ là 95% số du khách quốc tế (theo báo cáo của Tạp chí Nhà Kinh tế học -The Economist, năm 2010) nói họ sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam.
Có những lý do sâu xa hơn cho sự thất vọng này. Việt Nam được thể hiện một cách, ít nhất bởi công tác PR chính thống, hừm, một cách hơi… buồn tẻ: Bạn đã đến một lần rồi, chẳng cần phải đến nữa. Các công ty du lịch phàn nàn rằng có quá ít sự phát triển các sản phẩm du lịch mới của Việt Nam. Thêm vào đó, tại sao lại phải dựa dẫm quá nhiều vào di sản để quảng bá cho mình? Hãy xem Seoul hay Singapore đưa bao nhiêu phần “truyền thống” vào các quảng cáo của họ!
Chiến dịch quảng cáo trên truyền hình mới nhất của Việt Nam thể hiện một vị khách “Tây ba lô” khoảng giữa 20 và 30 tuổi, đang nếm thử các món ăn đường phố… Đó có thực sự là nhóm đối tượng mà ngành công nghiệp du lịch Việt Nam hướng tới? Hãy cứ ca ngợi đồ ăn Việt Nam, nó nhiều khả năng sẽ trở thành một hiện tượng quốc tế, nhưng tôi thì nghĩ tới việc đưa vào những cặp Việt kiều hoạt bát trở về nước, hoặc một cặp vợ chồng trung tính tươi cười với hai đứa con đang trải nghiệm cưỡi voi ở Tây Nguyên hoặc đi thám hiểm với lũ trẻ người H’mong ở Tây Bắc, hoặc thậm chí nằm ườn trên các bãi biển Mũi Né hoặc Phú Quốc. Đó sẽ là những hình ảnh hấp dẫn hơn là một du khách chung chung, bởi không phải ai cũng tới đây để chìm đắm trong di sản của Việt Nam hay những dấu tích của chiến tranh. Rốt cuộc thì họ đi nghỉ cơ mà!
Chỉ riêng tỉnh Sarawak của Malaysia có lẽ cũng đưa ra được sự đa dạng về các sản phẩm nghỉ dưỡng nhiều hơn cả Việt Nam. Tại Kuching bạn có thể du lịch mạo hiểm, tự chiều chuộng bản thân tại khách sạn Hilton, dự một liên hoan âm nhạc thế giới và ở cùng những gia đình thổ dân, cũng như thư giãn và thưởng thức ẩm thực, trong đó có cả những món đặc sản bắt nguồn từ bộ tộc Borneo khét tiếng với việc săn đầu người (rất may là không có nguyên liệu nào từ thịt người trong những món này!).
JC Smith
nguon: dantri.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét