Nhãn

Thứ Hai, 18 tháng 3, 2013

Phát triển du lịch cộng đồng ở Vân Long

Phát triển du lịch cộng đồng ở Vân Long
Những năm gần đây, du lich cộng đồng đang từng bước trở thành điểm nhấn của Khu sinh thái đất ngập nước Vân Long (xã Gia Vân, huyện Gia Viễn). Nét dân dã, cuộc sống bình dị của người dân thôn quê hoà quyện với phong cảnh thiên nhiên đặc sắc... đã thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
du lich van long
Với mục đích nghiên cứu, điều tra, đánh giá hiện trạng các nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên, tài nguyên du lịch nhân văn và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội tại Khu du lich Vân Long, đồng thời đề xuất xây dựng mô hình du lịch cộng đồng để góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội và bảo tồn sinh thái, trong 2 năm (2012-2013), Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Khu du lịch sinh thái Vân Long”. Đề tài tập trung nghiên cứu các chuyên đề như: Đặc điểm, mối quan hệ lịch sử với di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, đặc điểm địa hình, địa mạo Khu du lịch sinh thái Vân Long phục vụ phát triển du lịch; thực trạng hoạt động du lịch cộng đồng... Đồng thời tập trung biên tập một bộ phim tư liệu khoảng 30 phút về hiện trạng du lịch tại Vân Long; xây dựng Atlas và sơ đồ quy hoạch phát triển du lịch Khu du lịch sinh thái Vân Long... Đề tài được kỳ vọng sẽ góp phần hệ thống hoá một số vấn đề lý luận về cộng đồng, du lịch cộng đồng, du lịch dựa vào cộng đồng và tìm ra những yêu cầu cần thiết để phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, qua đó đưa vào áp dụng thực tiễn trong phát triển du lịch dựa vào cộng đồng tại Vân Long một cách bền vững, hiệu quả.
Thạc sỹ Nguyễn Văn Luyên, Phó giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Đề tài “Nghiên cứu, đề xuất xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại Khu du lịch sinh thái Vân Long” đã triển khai xong giai đoạn I, thu được những đánh giá về thực trạng tài nguyên du lịch và tình hình hoạt động du lịch của khu vực Vân Long; làm rõ đời sống kinh tế - xã hội và tâm tư, nguyện vọng của người dân khu vực. Hy vọng sau khi hoàn thành, Đề tài sẽ là cơ sở khoa học góp phần xây dựng Vân Long trở thành một điển hình về du lịch cộng đồng và nhân rộng mô hình này ra toàn tỉnh.
Từ lâu nay, Vân Long được biết đến là một trong những khu du lịch có hệ sinh thái phong phú và độc đáo nhất miền Bắc. Ngoài hai hệ sinh thái chủ yếu là đất ngập nước và rừng trên núi đá vôi, còn có cả hệ sinh thái đồng ruộng, bãi cỏ, nương rẫy và hệ sinh thái làng bản. Hệ động thực vật của Vân Long vô cùng đa dạng với trên 700 loài thực vật, trên 100 loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ, đây cũng là một trong số ít ỏi những nơi mà du khách có được cơ may tận mắt nhìn thấy những chú voọc quần đùi trắng - một loài voọc quý hiếm chỉ có ở Việt Nam.
Không chỉ là khu bảo tồn thiên nhiên, vùng đất ngập nước Vân Long còn là nơi có cảnh quan hấp dẫn với nhiều di tích lịch sử văn hoá nổi tiếng đã được công nhận như đền thờ vua Đinh, di tích lịch sử động Hoa Lư, khu danh thắng chùa và động Địch Lộng, di tích kiến trúc nghệ thuật Đền thánh Nguyễn... và các lễ hội như lễ hội mùa xuân, lễ hội đền Bến Nổi, lễ hội động Hoa Lư... Điều kiện địa lý đặc thù, non nước hữu tình, bản sắc văn hoá đặc trưng, con người thân thiện, giàu truyền thống..., Vân Long hội đủ các yếu tố cho phát triển du lịch cộng đồng. Từ đầu năm 2005, xã Gia Vân đã mạnh dạn triển khai mô hình cộng đồng làm du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường.
du lich van long
Điều đặc biệt ở mô hình này là công tác tổ chức du lịch hoàn toàn do người dân làm chủ, tự quản, tự phục vụ. Họ tận dụng những phương tiện thô sơ như xe trâu, thuyền nan, mang đậm chất dân dã để tổ chức các hoạt động du lịch hướng du khách về với sinh thái, thiên nhiên hoang dã. Trên tuyến du lịch đồng quê qua 5 thôn: Phù Long, Chi Lễ, Mai Trung, Tập Ninh, Trung Hoà, du khách sẽ ở cùng với người dân địa phương trong các ngôi nhà cổ độc đáo đặc trưng của vùng quê Bắc Bộ với khung gỗ, nền đất, được trực tiếp lao động, tát nước gầu sòng, gầu dây, đi móc cua, cất vó, đánh giậm; khám phá những phiên chợ quê với các sản phẩm địa phương đặc trưng; cùng người dân làm cua nấu canh, thổi cơm vùi tro, xay lúa, giã gạo...
Ông Lê Viết Cường, thôn Tập Ninh, xã Gia Vân, một người dân tham gia làm du lịch cộng đồng ở đây chia sẻ: Ban đầu, nghe đến việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng, bà con nhân dân còn bỡ ngỡ, người mừng, người lo. Mừng vì sẽ có cơ hội để tăng thêm thu nhập, còn lo vì chưa bao giờ biết làm du lịch là thế nào và không biết có làm ảnh hưởng đến nếp sống quen thuộc không? Thế nhưng được sự giúp đỡ của các cán bộ xã, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, chúng tôi từng bước làm quen và trực tiếp tham gia vào các hoạt động du lịch từ tổ chức đón tiếp đến giới thiệu, quảng bá với du khách về các giá trị văn hoá ẩm thực đặc sắc của quê hương... Qua đó người dân trong thôn đã ý thức được nguồn lợi từ du lịch đem lại, từ đó duy trì nếp sống hàng ngày, giữ gìn bản sắc văn hoá, tạo sự yêu mến đối với du khách.
Sau 8 năm thực hiện, mô hình du lịch tự quản tại Vân Long được nhiều chuyên gia và khách tham quan đánh giá cao. Đồng chí Lê Văn Súng, Bí thư Đảng uỷ xã Gia Vân cho biết: Việc phát triển du lịch dựa vào cộng đồng đã mang lại lợi ích thiết thực cho bà con nông dân và chính quyền địa phương. Với khoảng 50.000 lượt khách mỗi năm, du lịch Vân Long đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 700 lao động, thu nhập bình quân của những người tham gia đón tiếp và phục vụ khách lưu trú tại gia đạt từ 1-2 triệu đồng/tháng. Quan trọng hơn, dự án du lịch cộng đồng đã góp phần làm thay đổi ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Nhiều người trước đây sinh sống bằng nghề săn bắn chim, khai thác thủy sản đã chuyển sang làm du lịch hoặc tham gia vào đội bảo vệ rừng. Tuy nhiên, để nhân rộng mô hình này, Gia Vân đang gặp một số khăn như kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa hoàn thiện: một số đoạn đường còn khó đi, chưa có vệ sinh công cộng; dịch vụ lưu trú chỉ đáp ứng được một bộ phận nhỏ nhu cầu của khách… Nhiều gia đình ở đây mong muốn được hỗ trợ vốn để đầu tư cải tạo lại các phòng ở đủ tiêu chuẩn để đón khách.
Anh Trần Ngọc Tiến, Giám đốc điều hành Công ty du lich Ngôi Sao cho rằng: Lợi ích của du lịch cộng đồng mang lại rất lớn. Nó không cần đầu tư quá nhiều kinh phí, lại giúp cộng đồng dân cư ở các địa phương có cơ hội tăng thu nhập, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống về cả vật chất lẫn tinh thần, đồng thời vẫn gìn giữ, bảo tồn được các giá trị văn hóa bản địa, bảo vệ cảnh quan môi trường và phục vụ nhu cầu khám phá, tìm hiểu, trải nghiệm của du khách. Tuy nhiên, hiệu quả khai thác của loại hình này ở Vân Long còn hạn chế, các dịch vụ phục vụ khách du lịch còn thiếu và yếu, đội ngũ lao động chưa qua đào tạo trường lớp, trình độ ngoại ngữ hạn chế.
Nguồn: Báo Ninh Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét