Bánh căn Nha Trang – đặc sản ăn chơi
Những ngày nghỉ ngơi, thư giãn ở Nha Trang, sau khi đã nếm đủ món ngon phố biển, kể cả thưởng thức “sơn hào, hải vị” , khách du lich bỗng ngạc nhiên
thích thú khi phát hiện ra, còn có bánh căn làm từ bột gạo, nướng trực tiếp trên lò, chín đến đâu ăn đến đấy.
Thưc ra, không phải chỉ Nha Trang mới có bánh căn, song có lẽ ở Nha
Trang mới được thưởng thức nhân bánh căn hải sản thơm phúc, tươi giòn…
Bánh căn là món ăn chơi khá phổ biến ở vùng quê Nam Trung Bộ. Theo
lời kể của những bậc cao niên, bánh căn có nguồn gốc xuất xứ ở làng Chăm
xứ Panduranga (Ninh Thuận).
Nguyên liệu chính là gạo ngâm với ít cơm nguội phơi khô, xay thành
bột, pha lỏng, thêm ít dầu đậu phụng (hoặc mỡ heo) với nắm lá hành tươi
và nước mắm.
Các làm cũng cực kỳ đơn giản, chỉ cần 1 bộ khuôn đất nung với cái
bếp lò, để đâu cũng được, miễn là chỗ đặt khuôn thăng bằng và phía cửa
lò kín gió để bánh chín đều và đẹp. Lò than rực hồng, đặt
khuôn lên chờ thật nóng, xoa tý dầu (mỡ) để chống dính trước khi đổ
bột vào từng khuôn, rồi đậy nắp.
Vài phút sau, ngửi thấy mùi thơm, mở nắp khuôn, thấy khô mặt bánh,
dùng chiếc đũa bếp nhỏ và dẹt nạy quanh vành bánh, thấy không còn dính,
nghĩa là đã chín. Nước chấm bánh căn là nước mắm tỏi ớt
pha loãng với ít chanh, đường, nếu muốn ngon hơn thì phi hành mỡ bỏ
thêm vào.
Đơn giản chỉ có vậy, nhưng theo thời gian, từ làng ra chợ, rất nhiều
người vì thích ăn mà bắt chước người Chăm làm bánh căn và thêm thắt ít
trứng, ít thịt hay là tôm, cá, mực… cho hợp khẩu vị.
Sáng sớm hay sẩm tối, dạo quanh thành phố biển, bạn dễ dàng tìm thấy
quán bán “đặc sản” bánh căn nhân trứng gà, trứng cút, thịt băm, tôm
lột, mực cơm hay pha trộn nhân “thập cẩm”. Nước chấm cũng
thay đổi tùy ý khách, có đủ vị mặn, ngọt, béo, bùi…và có cả mắm nêm
với nước tương; lại còn thêm chút xoài xanh, bằm nhỏ rồi xắt mỏng như
que tăm.
Hàng bánh căn bà Bốn (đường Tháp Bà, đối diện UBND phường Vĩnh Thọ)
đã trở thành điểm đến quen thuộc của dân làng chài Cầu Bóng.
Với thâm niên hơn 40 mưu sinh bằng nghề bán bánh căn, bà Bốn cho
biết, bánh làm từ gạo cũ của mùa trước, trộn với một ít cơm nguội thì
bánh mới giòn, xốp và dậy mùi thơm.
Thực ra, món bánh căn ngon hay dở phụ thuộc ở bí quyết làm mắm của mỗi người.
Ở quán bà Bốn, mắm ăn bánh căn có chế thêm nước nấu cá ngừ với miếng
cá dằm và ít mỡ hành, xoài xanh thái sợi. Mùi vị đằm thắm hơn nhờ vị
thơm của tỏi, vị ngọt của cá, chua chua của xoài, cay cay
của ớt… ăn mãi mà không thấy ngán.
Ở Nha Trang, quán bánh căn không gắn bảng hiệu, cũng không có tên người bán bánh, nhưng thực khách cứ đi là…thấy.
Bên vỉa hè đường Tháp Bà, Lý Thánh Tôn, Tô Hiến Thành, Hoàng Văn
Thụ, Phương Sài…có khoảng vài chục người quanh năm bán bánh căn.
Ông Hai Nắm, một ngư dân ở làng chài Vĩnh Thọ, nhận xét: “Xứ biển
quanh năm có hải sản và sáng hay chiều đều có thể thả câu, giăng lưới.
Bánh căn dễ làm, dễ ăn…
Dù sáng hay tối, chỉ cần xay gạo và nổi lửa là có bánh ăn. Mùa Đông,
tiết trời lành lạnh, rủ nhau quây quần chờ bánh chín đến đâu, vớt ăn
đến đấy.
Nhìn lũ trẻ háu ăn, hít hà…, mình cũng cảm thấy ngon tuyệt. Trong
các loại nhân bánh căn thì mực cơm là ngon nhất. Con mực nhỏ bằng ngón
tay, mới vớt lên từ biển tươi rói, nướng chín cùng bột
gạo, ngọt lịm!”
Không ngẫu nhiên, trải qua 5 kỳ Festival biển Nha Trang, bánh căn
luôn được chọn là món ăn truyền thống trong các hội thi ẩm thực để giới
thiệu đến với bạn bè du khách gần xa.
Và, không ngẫu nhiên, thực đơn của nhiều khu du lịch cao cấp đã bổ sung thêm món bánh căn trong danh sách đặc sản Khánh Hòa.
Chị Hòa Lưu, du khách đến từ Hồng Kông, cho hay: “Tôi đã ăn thử bánh
căn tôm mực trên đường Lý Thánh Tôn, Nha Trang. Ngon, lạ và hấp dẫn,
bởi vì món ăn bình dân, giản dị nhưng đủ chất, đủ vị, khó
quên.”
Theo: laodong.com.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét