Chuẩn bị cho một chuyến du lịch
Ngày nay, du lich
đã trở thành một nhu cầu quen thuộc đối với nhiều thành phần trong xã
hội. Tùy nhu cầu, sở thích mà người ta chọn cho mình mục đích và lộ
trình của chuyến đi, tùy điều kiện (thời gian, tiền bạc...) để chọn hình
thức thực hiện chuyến đi của mình.
Làm
thế nào để thỏa mãn ý nguyện cá nhân, đòi hỏi du khách phải xác định
được các yếu tố vừa nêu; tuy nhiên, trước khi lên đường, du khách nên
lưu ý việc chuẩn bị những điều cần thiết để chuyến đi tránh những sơ
suất, thậm chí là những phiền toái cho bản thân.
Tìm hiểu thông tin điểm đến
Cần
hiểu rõ về văn hóa ứng xử nơi mình đến để tránh bị hiểu lầm và gặp
phiền phức không đáng có. Nhất là khi ra nước ngoài, đặc biệt là đến các
quốc gia Hồi giáo.
Về nguồn thông tin du lich,
không nên quá tin vào các sách hướng dẫn du lịch dù phương tiện này khá
tiện lợi; nhất là coi chừng bạn đang cầm trên tay bản in được xuất bản
khá lâu, thiếu thông tin mới cập nhật.
Hãy
tìm đọc kinh nghiệm của những người từng du lịch ở đó chia sẻ trên các
diễn đàn hoặc các website du lịch; nhưng phải lưu ý thời điểm các thông
tin được cập nhật lần cuối vào lúc nào.
Nhiều
người đi về mới biết mình đã bỏ sót một, vài di tích hoặc thắng cảnh
nổi tiếng ở nơi mình vừa đến đó. Hoặc ví dụ như vào thăm đại nội trong
hoàng thành Huế nhưng không biết đâu là khu Tử Cấm thành ngày trước (đã
bị san phẳng hồi tết Mậu Thân, 1968) lại cứ đinh ninh Thế miếu là Tử Cấm
thành! Có người viếng đại nội rồi về chỉ biết Ngọ môn và điện Thái
Hòa... Hết! Thật lãng phí thời gian và tiền bạc!
Tìm hiểu kỹ thông tin điểm đến cũng giúp bạn chuẩn bị điều thứ hai dưới đây.
Chọn thời điểm lên đường
Tất
nhiên, chuyến đi phải đúng vào dịp bạn nghỉ phép hoặc không bận bịu
công việc (học hành, làm ăn); nhưng bạn cũng cần tìm hiểu thời tiết, khí
hậu nơi bạn định đến.
Thác,
suối... trên rừng thường hay có lũ quét bất chợt vào mùa mưa. Lòng suối
khô hạn, chỉ còn một dòng chảy nhỏ, chung quanh lá khô, trời âm u nhưng
không mưa, thế mà bất chợt nghe tiếng ầm ầm, chưa kịp hiểu đó là âm
thanh gì thì dòng nước ập xuống cuốn trôi mọi thứ đang bày ra chuẩn bị
bữa ăn trưa trong rừng! Đó là tình huống xảy ra khá nhiều. Nước lũ quét
ào về từ thượng nguồn con suối, nơi vừa có mưa lớn, khi nghe tiếng là
dòng nước đã quét trôi mọi thứ dọc đường của nó. Sau đó, nước xuống
nhanh như lúc nó dâng, đột ngột, bất ngờ.
Về
mùa mưa, cũng không nên vào rừng vì khí ẩm rất hợp với các loài vắt,
sâu bọ và cả muỗi. Tương tự, chơi biển, đảo vào những ngày biển động vừa
không vui thích gì lại nguy hiểm.
Mùa
rét, mưa dầm cuối năm ở Huế thì ngay người Huế cũng ngán, nhưng khoảng
sau rằm tháng Chạp và đầu tháng Giêng, bạn sẽ thích thú với những cơn
mưa bụi lất phất trong tia nắng vàng với tiết trời se se dễ chịu.
Ví
dụ, nếu bạn muốn ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang ở vùng Tây Bắc,
thời điểm tốt nhất vào khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 10. Nửa đầu là
lúc những sườn đồi có những mảnh ruộng lúa xanh sót lại giữa màu vàng
lúa chín chung quanh; nửa sau đã rơi vào mùa gặt, những ngọn đồi lúa
chín vàng rực bắt đầu được thu hoạch.
Hành lý gọn nhẹ
Nhiều
người, dù thường xa nhà, vẫn chưa quen chấp nhận sự bất tiện hiển nhiên
khi xa nhà. Vì thế, hành lý đem theo thường không thiếu thứ gì và
thường thì sau chuyến đi, có nhiều bộ áo quần vẫn chưa dùng đến. Một
cách tự nhiên, khi đi xa người ta ít thay đổi trang phục hơn lúc ở nhà.
Khi du lịch, cần biết thay đổi thói quen; thay vì liên tục thay áo, khi
đầy thùng máy thì bấm nút giặt, bạn hãy đưa cho dịch vụ giặt hàng ngày
để luôn có sẵn đồ sạch thay khi cần, khỏi đem theo nhiều đồ.
Nếu
đi máy bay, khi sắp xếp hành lý, cần lưu ý những đồ vật không được đem
theo bên mình (tất cả các loại chất lỏng, vật kim loại có cạnh, góc sắc
nhọn...) nên bỏ vào hành lý ký gửi. Tránh gây trở ngại khi qua cửa an
ninh, làm mất thì giờ của mình và người khác.
Một
điều hết sức quan trọng, xin lưu ý: Tuyệt đối không nhận trông coi, giữ
hộ hành lý cho người mới gặp trên chuyến đi; nhất là ở những nơi như
sân bay, nhà ga, bến xe, cửa khẩu hay ở các trạm kiểm soát dọc đường.
Không nhận bất cứ gói đồ nào của người mới quen (không biết gì về họ
ngoài những điều chính họ nói với bạn) gửi vào túi xách, ba lô, va li
của bạn. Kể cả việc trông giúp trẻ con đi theo họ. Nhiều người, vì lòng
nhân ái và cả tin đã mang họa vào thân vì hành động thiếu cảnh giác này.
Mua sắm
Không
nên mua món đồ nào đó chỉ vì giá rẻ và chỉ mua thứ không thể tìm thấy ở
nơi bạn sinh sống. Khi gặp cửa hàng bán giá rẻ hoặc có đợt bán hàng hạ
giá, hãy lưu ý đến chất lượng của sản phẩm. Cần biết vì sao họ bán rẻ,
bởi mục đích kinh doanh là thu lãi chứ không phải phục vụ cộng đồng hoặc
từ thiện. Mua hàng xa nơi mình ở, bạn sẽ gặp khó khăn khi cần được bảo
hành sản phẩm, có khi mua rẻ thành... lãng phí.
Với
những món đồ lưu niệm, hàng mỹ nghệ... nếu gặp thứ khiến bạn thích thú
và giá tiền vừa túi thì hãy mua ngay, đừng chần chờ vì có thể bạn không
có lần thứ hai gặp đúng món hàng tương tự.
Ăn uống
Mỗi
vùng có những món ăn riêng hoặc cách chế biến thức ăn khác biệt theo
khẩu vị người từng vùng. Khẩu vị mỗi vùng hình thành bởi nhiều yếu tố;
trong đó, khí hậu, môi trường và hoàn cảnh kinh tế có ảnh hưởng chính.
Vì thế, thưởng thức món ăn của các vùng miền cũng là một điều khiến du
khách có thêm cảm nhận về đời sống của người dân điạ phương. Và còn một
điều khác về ẩm thực ngoài cách chế biến là cách người ta ăn như thế
nào; đó chính là ‘văn hóa ẩm thực’ của từng vùng miền (trong nước hoặc
ngoài nước).
Đó
là lý do vì sao mỗi khi đến một vùng miền khác, du khách nên thưởng
thức các món đặc sản địa phương. Đặc sản theo nghĩa là sản vật đặc trưng
của địa phương chứ không phải những món đắt tiền trong nhà hàng. Nếu
thích, sẽ tiếp tục thưởng thức, không thì thôi nhưng qua đó, du khách có
thể cảm nhận văn hóa ẩm thực từng vùng miền. Cách tốt nhất là tìm vào
khu hàng ăn trong các chợ, nơi phục vụ người dân địa phương là chính chứ
không phải các nhà hàng chuyên tiếp đón du khách. Thậm chí, bạn nên ăn
uống ở các quán lề đường hay trong khu dân cư địa phương nếu không quá
lo ngại về vệ sinh thực phẩm.
Một máy ảnh du lịch
Ngày
nay, chiếc máy ảnh kỹ thuật số nhỏ gọn, dễ sử dụng, tiện lợi cho mọi
người và giá cả đã hạ đến mức bình dân cũng đáp ứng tốt nhu cầu ghi lại
hình ảnh lưu niệm những chuyến du lịch. Nghề chụp ảnh dạo trở nên ế ẩm
nên ở nhiều thắng cảnh, di tích không có thợ chụp ảnh xuất hiện thường
xuyên trừ những ngày lễ hội, cao điểm.
Vì
vậy, bạn cần có chiếc máy ảnh riêng, luôn đem theo trong những chuyến
đi. Máy ảnh không cần có tổng số điểm ảnh (Mb - thường gọi nôm na là máy
có bao nhiêu "chấm") lớn vì con số đó biểu thị kích thước ảnh in ra
hình lớn tối đa là bao nhiêu chứ không phải là độ phân giải (ppi -
pixels per inch), là chất lượng ảnh. Đối với máy ảnh kỹ thuật số, chất
lượng ảnh phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng ống kính (lens) và bộ cảm
biến hình ảnh; còn lại là ‘tay nghề’, nghĩa là cách chọn góc chụp của
người cầm máy.
Dùng thẻ ATM để rút tiền mặt
Trước
khi đi, cần phải kiểm tra xem thẻ ATM của mình có được chấp nhận ở
những nơi mình sắp tới hay không và quan trọng hơn là xem tài khoản của
mình còn bao nhiêu tiền!
Đặt phòng khách sạn
Cần
tìm hiểu cụ thể, chính xác vị trí khách sạn (có thể dùng Google map)
hay thông qua các website du lịch đáng tin cậy trước khi đặt phòng. Tốt
nhất, hãy tham khảo ý kiến của những người đã đến nơi bạn sắp đến.
Bản sao giấy tờ quan trọng
Các
giấy tờ quan trọng như CMND, hộ chiếu, bảo hiểm du lịch, thẻ tín
dụng... cần có bản photo, phòng lúc bị mất sẽ có thông tin để trình báo
hịp thời.
Ngoài
ra, bạn nên in ra giấy những địa chỉ và số điện thoại cần thiết ra giấy
cũng như nwn dùng bản đồ du lịch in trên giấy. Không nên ỷ lại vào
computer, Ipad, Smart phone... bởi không phải ở đâu cũng có tín hiệu
Internet hoặc những thứ này có thể khiến bạn trở thành nạn nhân của bọn
trộm cắp. Tương tự, du khách "trưng bày" đồ trang sức và những vật dụng
cá nhân đắt tiền ở nơi công cộng vô tình thu hút sự chú ý kẻ gian, vốn ở
đâu cũng có.
Đổi tiền
Khi
ra nước ngoài, chỉ đổi một ít tiền tại sân bay hay cửa khẩu đường bộ.
Những thành phố có nhiều du khách quốc tế thường có nhiều điểm dịch vụ
đổi tiền của các ngân hàng. Ngoài việc được đổi đúng tỉ giá, du khách có
thể yên tâm không nhận lầm tiền giả khi đổi tiền từ ngân hàng hơn là
các “cò” đổi tiền trên đường phố. Nếu chưa gặp nơi thuận tiện, bạn có
thể đổi tiền ở quầy lễ tân của các khách sạn lớn, nhưng cũng chỉ nên đổi
tạm một ít trong khi tìm được nơi đổi tiền đáng tin.
Mua bảo hiểm du lịch
Người
Việt ít quan tâm đến dịch vụ bảo hiểm (trừ trường hợp bị bắt buộc như
bảo hiểm trách nhiệm dân sự). Điều này không tốt. Khi mua tour du lịch,
các công ty lữ hành luôn tính phí bảo hiểm du lịch trong giá tour; nhưng
khi du lịch tự túc, ít người để ý việc này. Mua bảo hiểm du lịch là cần
thiết ngay cả khi bạn đi chơi trong nước; nếu ra nước ngoài thì càng
quan trọng hơn bởi không chỉ lợi ích về tiền bạc mà một du khách có bảo
hiểm du lịch quốc tế sẽ tạo áp lực trách nhiệm đối với cơ sở y tế nơi
bạn được đưa đến nếu chẳng may bị tại nạn hay đau ốm bất ngờ.
Theo: sotaydulich.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét