Nhãn

Thứ Năm, 8 tháng 3, 2012

Chuyện của người phụ nữ táo bạo


Chuyện của người phụ nữ táo bạo
Tâm sự với tôi, bà tâm đắc lời nhận xét của một vị lãnh đạo có trách nhiệm khi giới thiệu về bà trước các doanh nghiệp khác: Đây là một phụ nữ luôn sáng tạo, đau đáu đi tìm sự khác biệt trong sản phẩm để tồn tại trong nền kinh tế thị trường. Tôi thì lại thấy bà không chỉ sáng tạo mà còn rất táo bạo trong cách nghĩ, cách làm; nhưng là sự táo bạo của người dạn dày kinh nghiệm và một khi đã “quyết” điều gì thì sẽ kiên định đeo đuổi đến cùng! 
Duyên nợ của 2 người phụ nữ
Trong nụ cười tự tin, đầy viên mãn, bà Dương Thanh Thủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Thủy, giới thiệu: Ngày 8-3 năm nay, chúng tôi chính thức khai trương trạm dừng chân Long Thành. Đây là trạm dừng thứ 3 trong hệ thống trạm dừng cao cấp, tiêu chuẩn quốc tế xuyên suốt các tuyến đường trọng điểm từ miền Tây đến miền Trung do Tập đoàn Trung Thủy đầu tư. Công trình này là sự phối kết của 2 doanh nghiệp nữ: Dương Thanh Thủy và Nguyễn Thị Lệ Hồng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai Dofico.
Bà Dương Thanh Thủy (đứng) hướng dẫn nhân viên phục vụ khách
Nói rồi, bà hào hứng kể về chuyện “xe duyên” giữa 2 người: Một lần bà Hồng ghé trạm dừng Tiền Giang và quá ưng ý với mô hình này. Nghe người ta bảo trạm dừng này do Việt kiều đầu tư, bà Hồng thầm ao ước có dịp làm quen để học hỏi. Rồi tình cờ hai chị em gặp nhau trong một hội thảo về đầu tư, bà Hồng vui mừng đến ngạc nhiên khi biết trạm dừng Tiền Giang là “đứa con tinh thần” của bà Thủy. Bà Hồng tỏ ý muốn cùng Trung Thủy xây dựng tại Đồng Nai một trạm dừng chân kiểu mẫu như ở Tiền Giang chứ không phải  “ăn xổi ở thì” như những trạm tạm trên đường.
Hai tư tưởng lớn gặp nhau: Không đặt nặng về lợi nhuận, nhưng cũng không để lỗ. Đất nước mình ngày càng phát triển, người dân đã bỏ tiền đi du lịch khắp nơi trên thế giới để tìm những điều mới lạ, tốt đẹp thì tại sao ngay trên quê hương, người dân lại không được hưởng những dịch vụ tốt nhất? Để một xã hội cùng phát triển thì trước hết, bản thân từng người phải làm thật tốt cho những người xung quanh lấy đó làm gương mà thay đổi theo, nếu họ muốn tồn tại. Nghĩ là làm, hai người phụ nữ này đã chạy đua với thời gian để Đồng Nai hôm nay tự hào với trạm dừng Long Thành xứng tầm đẳng cấp quốc tế.
Biến bãi cỏ thành khu du lịch 
Là  người may mắn có cơ hội đặt chân đến không ít resort, khach san 4, 5 sao của những cong ty du lich chuyên nghiệp trong cả nước nhưng đến trạm dừng chân Long Thành, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng. Từ một bãi cỏ cho bò ăn, khu vực hoang phế 7 ha ngày nào nay không chỉ dừng lại ở chỗ một trạm dừng chân mà đã “vươn mình” ngang tầm một khu resort đẳng cấp. Gần 150 tỉ đồng đổ vào đây vẫn chưa nói hết được tầm vóc của nó mà điều đáng ghi nhận là sự đầu tư bài bản, nghiêm túc của những người nặng lòng với dân với nước.
Do “sinh sau đẻ muộn” nên trạm dừng Long Thành đã rút tỉa được nhiều kinh nghiệm để trở nên hoàn hảo hơn. Đó là một tổng thể hài hòa, thiết kế theo kiến trúc mở, mang đậm hơi thở dân dã miền Đông Nam Bộ trên địa hình thoai thoải cao thấp đan xen. Lấy ý tưởng gỗ làm nền vì đây là xứ gỗ nên Long Thành tập trung vào các nhà rường cổ,  xây trên sườn dốc, bài trí mộc mạc bên những khóm trúc xanh, trâm ổi, sứ đỏ, sứ trắng, hướng ra những dòng suối nhân tạo mềm mại, êm ả uốn quanh cùng sen, súng, cầu khỉ bắc ngang… tạo cảnh quan thoáng đãng.
Bước vào những nhà rường này, khách không khỏi ngạc nhiên trước những cột đỡ đường kính 8 tấc, cao 18-20 m, là gỗ nguyên khối, được “đặt hàng” cách đây 4-5 năm từ Lào về và do các nghệ nhân Việt Nam trực tiếp lắp ráp. Các mái vòm được lợp công phu gồm 3 lớp: ngoài cùng là những lớp lá dừa, ở giữa là tôn mạ kẽm và trong cùng là mái bằng gỗ vững vàng để chống chọi với thời gian và thiên nhiên. Lãng mạn hơn là trong khoảng không Long Thành có đàn cò cả 100 con sải cánh trắng phau, được nuôi hoang dã.
Cũng như 2 trạm dừng trước, Long Thành gồm hệ thống nhà hàng, cửa hàng thủ công mỹ nghệ, nhà hội nghị với sức chứa lên đến 1.000 người phục vụ khách đoàn, siêu thị mini và khu vệ sinh. Đặc biệt, du khách có thể tham quan nhà bánh được lắp đặt theo công nghệ Đức, chuyên “ra lò” những ổ bánh mì nóng giòn cùng nhiều loại bánh hương vị đặc trưng; đồng thời thưởng thức hương vị ngào ngạt của các loại cà phê.
Ở Long Thành, khách du lich tha hồ thưởng thức những món đặc sản của miền đất đỏ bazan như bánh canh Long Thành, bánh canh Mekong nóng hổi hay bánh xèo tôm thịt hấp dẫn hoặc bánh bèo Phú Hội nổi tiếng ăn với mắm trộn cùng nhiều món ăn cơm khác. Phục vụ nhu cầu mua sắm, khách dễ dàng chọn những món quà lưu niệm làm từ mây tre lá, gốm sứ, sơn mài, tranh đá, thổ cẩm... tại cửa hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, Long Thành còn một siêu thị mini - là bộ sưu tập toàn sản vật Việt Nam như rượu nếp lão tử hạ thổ Bến Tre, mắm ruốc, kẹo dừa, tép sấy, mực sấy, chao…  được “mặc” trong những lớp bao bì đẹp mắt, thẩm mỹ in hình hoa sen, áo dài, tre, trống đồng.
Tiêu chí “xanh - sạch - tiện nghi - chất lượng - đẳng cấp” ở trạm dừng chân Long Thành còn thể hiện rõ ở 3 khu vệ sinh sạch đẹp, khang trang, hiện đại không thua gì tiêu chuẩn khách sạn 5 sao. Mặt tiền các khu vệ sinh ấn tượng hơn với các bức tranh thuần Việt mô phỏng những sinh hoạt thường ngày, những cảnh sắc quê Việt do những tên tuổi tài hoa của làng nghệ thuật Việt Nam sáng tác: Nguyễn Thị Tâm, Đào Hoa Nữ… Bây giờ không ít nơi người ta “hào phóng” trang bị bồn vệ sinh cao cấp, nước rửa tay, máy hong khô tay…  nhưng để luôn bảo đảm sạch sẽ thì không phải nhiều nơi có được.
Sản phẩm đặc thù
Còn nhớ những năm 2004- 2005, tình trạng “cơm tù” nổi lên như một vấn nạn xã hội, gây ảnh hưởng không ít cho ngành du lịch. Để hạn chế mảng màu đen tối này, năm 2005, trạm dừng Mekong Tiền Giang, cách TPHCM 70 km, đưa vào hoạt động như một thể nghiệm mới đầy tính bứt phá của tập đoàn Trung Thủy. 
Đó là một không gian thơ mộng, tái hiện rõ nét làng quê miền Tây Nam Bộ trên diện tích 12.000 m2, với dòng nước uốn lượn, thảm cỏ xanh um, gọng vó căng đầy, lung lay bẹ chuối sau hè. Cũng là một tổ hợp gồm hệ thống nhà hàng, siêu thị mini, quầy thủ công mỹ nghệ… nhưng đậm đà dấu ấn và đầy ắp đặc sản miền Tây.
Với “thành tích” dẹp loạn “cơm tù”, bà đã trở thành “thần tượng” của các hãng lữ hành nghiêm túc. Có lần tôi đi farmtrip cùng  một nhóm giám đốc các hãng lữ hành về miền Tây, ghé ngang Mekong Tiền Giang, gặp bà xăng xái trong vai  phục vụ; cả nhóm đã ùa lại cảm ơn bà rối rít vì “đã cho họ một chỗ dừng chân sạch đẹp để đưa khách đến”.
Gần 6 năm sau, tháng 9 - 2010, trạm dừng Hải Vân ở  Đà Nẵng tiếp tục ra đời trên diện tích 8 ha với tổng vốn đầu tư hơn 150 tỉ đồng; được thiết kế hài hòa theo lối kiến trúc dân dã miền Trung hòa quyện trong không gian xanh của biển, thung lũng và bạt ngàn rừng thông. Đặc biệt, trạm dừng Hải Vân đã xây dựng các nhà rường  uốn quanh các sườn dốc, hướng ra bãi biển tuyệt đẹp của bán đảo Sơn Trà để chiêm ngưỡng tượng Phật cao 67m. Từ đây có thể nhìn thấy bãi biển Nam Ô tinh khôi trong nắng sớm với huyền tích thăng trầm quanh cuộc giải cứu Huyền Trân công chúa thoát khỏi đại nạn hỏa thiêu.
Tám năm ròng rã đầu tư cho 3 trạm dừng chân để mỗi trạm mang một lối kiến trúc, phong thái riêng, thể hiện đặc thù hình ảnh mỗi địa phương thật hoàn hảo, chứ không chỉ một bản sao rập khuôn… là cả những giọt mồ hôi, sự lao tâm khổ trí không chỉ của bà mà cả những người cộng sự. Bà thường nói: Trách nhiệm của những người làm du lịch là phải luôn cất công đi tìm những đặc sản của từng vùng miền để thết đãi khách khiến họ nhớ mãi và còn muốn trở lại tận hưởng những thứ mà quê hương họ không có.
Sau nhiều lần thử quan sát ở các trạm dừng chân, ở những cửa hàng mỹ nghệ của Miss Áo dài, tôi thấy những sản phẩm bày bán ở đây không giống những nơi khác. Đơn giản vì nó mang đậm hơi thở Việt Nam trong sự cách điệu đầy mỹ thuật. Chẳng hạn, cũng là sản phẩm chả giò ăn liền của Vissan nhưng đến Miss Áo dài để bán cho khách nước ngoài thì nó được  “may” thêm lớp xiêm y bên ngoài trông giống chiếc nón lá Việt Nam nên quyến rũ làm sao! Hay khi đến Sen Spa, An Nam Spa, tôi mới hiểu được tại sao khách quốc tế, đặc biệt là khách Nhật, khi sang Việt Nam nhất định phải vào spa của Miss Áo dài. Không phải vì giá rẻ hơn mà vì nó đậm đà bản sắc Việt dù được đầu tư không thua kém các spa cao cấp ở Nhật.
Dịch vụ đẳng cấp
Bà thường nói với nhân viên: Bây giờ sản phẩm đều na ná như nhau, chỉ có dịch vụ đẳng cấp mới tạo dấu ấn riêng. Với tính cách thẳng thắn, chân thành, cởi mở, bà lý luận với nhân viên: Không cần phải xem khách hàng là thượng đế vì khái niệm đó mơ hồ, trừu tượng lắm. Chính vì thế, thông điệp bà gửi đến toàn bộ nhân viên trong hệ thống là: Muốn tồn tại, phải khác biệt. Chúng ta phải xem khách hàng như chính mình và hơn thế nữa!
Nhân viên của bà kể  với tôi: Có tối, khi cô cùng chồng đi bộ gần cửa hàng Miss Áo dài trên đường Nguyễn Trung Ngạn, thấy một đoàn bốn, năm chục khách bước vào, cô vui vẻ bỏ dở cuộc đi bộ để vào “tiếp sức” cùng nhân viên giới thiệu sản phẩm cho khách, tư vấn, giúp họ thử áo dài… Bất cứ lúc nào và ở đâu, với những “đứa con tinh thần” của mình, cô cũng “vào vai” một nhân viên mẫn cán chứ không phải chỉ ở vai trò một bà chủ.
Đến Tiền Giang cũng thế, lúc nào cô cũng tranh thủ phụ chạy bàn, hỏi thăm tình hình khách, buông tay này bắt tay kia tất bật đến khi lên xe về lại thành phố mới thôi. Nhiều nhân viên xót ruột, bảo cô nghỉ đi, cô chỉ hề hà: Cô phải vô làm chung với tụi con mới hiểu tận cùng công việc để còn chỉ bảo tụi con cho thấu đáo. Chính vì làm chung với tụi con, cô càng trân trọng những đóng góp của tụi con với Công ty. 
Khi tuyển nhân viên, bà không bao giờ đặt nặng hình thức bề ngoài mà tuân thủ tiêu chí “phải biết tươi cười với khách”. Ở các trạm dừng chân, các cửa hàng, nhân viên của bà luôn gọn gàng trong bộ bà ba Nam bộ, luôn tươi rói nụ cười trên môi với lời chào hỏi, tư vấn chân tình cho khách. Bà luôn bảo nhân viên: Mình không chỉ bán sản phẩm mà còn bán “tinh hoa” cho khách.
Có dạo, dư luận ồn ào về việc chọn “đại sứ du lịch” cho ngành công nghiệp không khói này. Có giám đốc hãng lữ hành đã buột miệng trao đổi với tôi: Tại sao không đề cử chị Thủy Miss Áo dài? Chị không đẹp, không trẻ nhưng chị có đầy đủ phẩm cách lại là người rất am hiểu và đóng góp nhiều công sức cho ngành du lịch. Chị xứng đáng làm “đại sứ” quá đi chứ và thật sự ngành chúng ta cần những người như thế này chứ đâu cần những loại nữ hoàng phô trương đủ thứ?
Điểm lại những gì bà đóng góp cho ngành du lịch những năm qua, lại có người chạnh lòng hỏi tôi  sao ngành mình không tặng cho bà một tấm huân chương, huy chương hay bằng khen gì đó của ngành? Điều này tôi cũng khó trả lời vì tôi tin rằng trong thâm tâm bà chưa bao giờ làm việc gì chỉ để đổi lấy danh vọng!
Theo: nld.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét