Nhãn

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2013

Du lịch Kon Tum đánh thức đại ngàn

Du lịch Kon Tum đánh thức đại ngàn
Với nền văn hóa đa dạng của cộng đồng 6 dân tộc bản địa và nhiều danh thắng nổi tiếng, Kon Tum đang nỗ lực phát triển du lịch để trở thành điểm đến không thể thiếu trên cung đường Tây Nguyên của du khách trong và ngoài nước.
du lich tay nguyen
Kon Tum còn được nhắc đến với những địa danh huyền thoại của du lịch về nguồn như Đắk Tô - Tân Cảnh, Sa Thầy, đường Hồ Chí Minh … hay những điểm du lịch sinh thái hoang sơ như cao nguyên Măng Đen, hồ Yaly, đỉnh Ngọc Linh, rừng quốc gia Chư Mom Rây, Đắk Uy, ngược dòng Đắk Bla, Pô Kô, …; du lịch tâm linh như nhà thờ gỗ, trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen …
Nhưng điểm nhấn của du lịch vùng đất này vẫn là nền văn hóa của các dân tộc bản địa. Nằm ở ngã ba Đông Dương, Kon Tum có trên 20 dân tộc sinh sống, trong đó có 6 dân tộc bản địa gồm Xê Đăng, Ba-na, J’Rai, Giẻ Triêng, Brâu, Rơ Măm. 53,6% dân số địa phương là đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Kon Tum được biết đến như vùng đất của văn hóa và lễ hội, nơi mà đất và người đều gắn với lễ hội Mừng lúa mới của người Xê Đăng, lễ hội Suốt lúa đại trà của dân tộc J’Rai, lễ cầu an Mừng sức khỏe của dân tộc J’Rai, lễ cưới của dân tộc Ba - na,...
Chuyển lượng thành chất
Phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi thiết yếu mà ngành du lịch Kon Tum đang thực hiện. Các sản phẩm homestay, du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm do chính đồng bào dân tộc bản địa làm hướng dẫn viên, đã góp phần giảm nghèo và nâng cao đời sống, đồng thời nỗ lực bảo vệ, bảo tồn bản sắc văn hóa độc đáo của mỗi dân tộc.
Chị Nguyễn Ngọc Linh (29 tuổi, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) đến Kon Tum cùng gia đình cho biết: “Mình thật sự bị thu hút bởi vẻ hoang sơ của cảnh sắc và nền văn hóa của các dân tộc tại đây. Tuy nhiên, những điểm tham quan quá xa nhau mà lại không có phương tiện trung chuyển du lịch rất khó cho những người lớn tuổi như ba mẹ mình”.
Đây cũng là tâm lý chung của du khách khi đặt chân đến Kon Tum do sự nghèo nàn trong phát triển hạ tầng, dịch vụ du lịch.
Năm 2012, Kon Tum đón gần 180.000 lượt du khách, tăng 5,4% so với năm 2011 (trong đó khách quốc tế ước đạt 60.000 lượt), nhưng thời gian lưu trú trung bình mỗi du khách chỉ 1,5 ngày, mức chi bình quân hơn 2 triệu đồng/du khách.
Bà Bùi Thị Thanh Vân, Giám đốc Sở VHTTDL Kon Tum cho rằng nguyên nhân của vấn đề là do địa phương chưa thu hút được nguồn xã hội hóa để phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực cho du lịch.
Toàn tỉnh hiện chỉ có 5 đơn vị kinh doanh lữ hành, 63 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 1.051 phòng, công suất ước đạt 70%. Tuy nhiên, chỉ duy nhất 1 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao là BMC Ngọc Hồi, còn lại là khách sạn 1 - 2 sao và nhà nghỉ.
Trong thời gian qua, quy hoạch du lịch còn trùng lắp, thiếu thực tế, không mang tính lâu dài và bền vững nên không định hướng được kế hoạch phát triển du lịch một cách cụ thể.
Để bứt phá, trong giai đoạn 2011 - 2015, Kon Tum sẽ nâng cấp hệ thống giao thông từ TP đến các điểm du lịch, hoàn thành xây dựng đường Hồ Chí Minh (giai đoạn 2), quốc lộ 14 và 14C đi qua tỉnh Kon Tum và các đường xương cá thuộc mạng lưới nối trục với đường Hồ Chí Minh; nâng cấp sân bay Măng Đen thành sân bay taxi.
Đồng thời, chú trọng đầu tư các điểm du lịch như cột mốc ngã ba biên giới, khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, suối nước nóng Đăk Tô - Thác Đăk Lung, rừng đặc dụng Đăk Uy, vườn quốc gia Chư Mom Ray, khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen nhằm thu hút đầu tư và lưu giữ du khách.
Tạo dấu ấn trong liên kết du lịch Tây Nguyên
Nhận thức được những “điểm trừ” của du lịch địa phương, Sở VHTTDL Kon Tum tập trung tìm hướng phát triển ngành với nhiều điểm khác biệt trong khối liên kết vùng du lịch 5 tỉnh Tây Nguyên.
Theo đó, Kon Tum sẽ tiếp tục phát huy và đầu tư các loại hình du lịch đặc trung như: chèo thuyền độc mộc trên dòng sông Đăk Bla; phát triển làng văn hóa du lịch Kon Kơ Tu xã Đăk Rơ Va, tượng nhà mồ dân tộc Ja Rai tại các điểm du lịch xã Ya Chim, làng Plei We, Plei Kơ Lei, làng Bủa…
Đồng thời, triển khai xây dựng nhiều loại hình dịch vụ du lịch tại Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen để kéo dài thời gian lưu trú du khách; đưa loại hình du lịch leo núi tại đỉnh Ngọc Linh để quảng bá loại hình du lịch riêng biệt của Tây Nguyên; xây dựng điểm đến cột mốc ba biên “một tiếng gà ba nước cùng nghe” mà bất kỳ du lịch nào khi đến Kon Tum cũng muốn đến tham quan.
 Mặt khác, ngành du lịch Kon Tum đang phát triển đưa các sản phẩm đặc sản như: gỏi lá, cá sông ủ chua, rượu đót Đăk Rơ Nga, sâm Ngọc Linh, rượu sim và cốt toái bổ Măng Đen… đến với du khách, góp phần tạo sự hấp dẫn riêng có nơi đất Bắc Tây Nguyên.
Là ngã ba của trục Đông Dương nối liền các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung với các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan, Campuchia và Mianma, Kon Tum nhận rõ vai trò của mình trong mối liên kết phát triển du lịch Tây Nguyên.
Bên cạnh việc tạo dấu ấn riêng biệt đặc sản, ngành du lịch Kon Tum đã liên kết với các tỉnh Tây Nguyên hình thành các tuyến du lịch trong nước và quốc tế như: tuyến du lịch Con đường xanh Tây Nguyên, tuyến du lịch hành trình di sản Đông Dương, tuyến du lịch Caravan đi qua các nước Thái Lan, Camphuchia, Lào và Việt Nam qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y... hình thành chuỗi liên hoàn các điểm nhấn du lịch trên bản đồ du lịch Đông Nam Á.
Nguồn: Chinhphu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét